Cựu quản lý của Thủy Tiên, Phi Nhung, Ngô Kiến Huy tiết lộ góc khuất trong nghề

trananhtu

Thành viên mới
Đỗ Quang Chí có hơn 20 năm trong ngành quản lý nghệ sĩ tại Việt Nam. Những hiểu biết và góc khuất về nghề quản lý nghệ sĩ mà anh nắm giữ là những câu chuyện không phải ai cũng tường tận.

Thông báo lạnh lùng chia tay Ngô Kiến Huy sau 17 năm làm quản lý

1744680482733459.jpg

Việc Đỗ Quang Chí và Ngô Kiến Huy dừng hợp tác được mọi người quan tâmẢNH: FBNV
* Độ "lạnh" của Đỗ Quang Chí đã được thể hiện rõ qua thông báo ngừng hợp tác cùng nghệ sĩ. Không một từ cảm tính, không cảm nhận cá nhân, có cảm giác mọi việc anh làm trong vai trò quản lý đều từ lý trí?- Đỗ Quang Chí: Tôi coi đó là một công việc cần làm một cách nghiêm túc. Câu chuyện đã qua, tất nhiên nó có mang lại cảm xúc. Nghề quản lý buộc bạn phải giữ một cái đầu lạnh, luôn tỉnh táo, dù bên trong sóng gió cỡ nào.* Có sự kiện nào khiến anh không thể giữ được cái đầu lạnh khi làm việc?- Đó là khoảnh khắc tôi ngồi viết thông cáo báo chí cho ca sĩ Phi Nhung, người mà tôi đã làm quản lý truyền thông trong suốt 9 năm. Khi đó, chị đã hơn 30 ngày nằm trên giường bệnh chiến đấu với Covid-19, và tình hình thật sự nguy kịch.Tôi phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả điều không ai muốn nghĩ tới. Nói thêm một chút về công việc của tôi, tôi luôn có phương án B và C cho các trường hợp. Lý trí bắt buộc tôi phải làm điều đó, nhưng cảm xúc thì vô cùng nặng nề. Viết một thông cáo tiễn biệt cho một người còn đang thở, đó là điều tôi không thể quên, đặc biệt lại là một người chị tôi vô cùng yêu mến. Lý trí thì nói "phải chuẩn bị", nhưng cảm xúc thì không chịu chấp nhận.* Vậy cuối cùng, anh đã vượt qua cảm giác đó như thế nào?- Tôi nghĩ rằng mình đang làm đúng bổn phận của một người làm nghề. Với tôi, hình ảnh của nghệ sĩ không kết thúc khi họ rời đi - mà còn kéo dài ngay cả sau khi họ không còn xuất hiện trước công chúng. Và vì thế, mọi thứ phải được chuẩn bị sẵn sàng, trang trọng, đúng mực. Tôi đã viết xong thông cáo trước khi chị mất đúng một ngày.* Luôn đấu tranh với cảm xúc là điều một quản lý nghệ sĩ buộc phải làm, thưa anh?- Tôi tin rằng nếu người làm quản lý thực sự có nguyên tắc và lộ trình rõ ràng, thì sẽ không cần phải đấu tranh cảm xúc nhiều. Một ví dụ khi nghệ sĩ đi dép lê ra đường, nguyên tắc của quản lý là phải nhắc nhở, vì nghệ sĩ cần bảo vệ hình ảnh. Nghệ sĩ cần tránh xa những câu chuyện ồn ào. Quản lý sẽ luôn phải nhắc nhở họ như vậy. Nhãn hàng đánh giá nghệ sĩ dựa vào độ sạch sẽ của hình ảnh đầu tiên.* Có nguyên tắc nào cho phép quản lý nổi giận khi làm việc không? Anh từng nổi giận khi làm công việc này chưa?- Không chỉ cần nổi giận, quản lý còn cần biết chiến đấu để giành lợi ích lớn nhất về cho nghệ sĩ. Tôi thường xuyên chiến đấu. Tôi từng hủy 5 show diễn hải ngoại trong năm 2019, chỉ vì nghệ sĩ của tôi bị để sai vị trí hình và tên trên poster quảng cáo, sau một nam ca sĩ khác, chỉ vì cảm tính của bầu sô.Có thể với nhiều người, chuyện này nhỏ. Nhưng với tôi, đó là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng. Tôi làm nghề đủ lâu để biết thời điểm đó ai xứng đáng đứng ở đâu. Nếu quản lý không thể giữ nguyên tắc làm việc cốt lõi là giữ giá trị cho nghệ sĩ, thì nghệ sĩ sẽ mất đi giá trị. Nếu không bảo vệ nghệ sĩ đến cùng, thì quản lý giữ lại được gì? Tôi cần sự tôn trọng. Và tôi đã bảo vệ nghệ sĩ bằng hành động.
1744680483164832.jpg

Đỗ Quang Chí chụp ảnh cùng cố nghệ sĩ Phi NhungẢNH: FBNV
* Làm nghề lâu năm, anh có khi nào phải chọn hy sinh điều dễ thấy - để giữ điều dài hạn?- Có. Tôi từng từ chối một gameshow truyền hình rất hot mời Ngô Kiến Huy làm MC. Nhưng tôi đã định hướng năm đó là năm phát triển mảng điện ảnh, theo bản chiến lược 5 năm tôi vạch ra từ đầu.Và khi từ chối gameshow đó, nghệ sĩ của tôi đã có được một vai diễn ấn tượng, củng cố hình tượng ca sĩ đa năng thành công. Không phải là ngôi sao "hot" nhất, nhưng trong chiến lược của tôi, Ngô Kiến Huy cũng chưa bao giờ bị "nguội". Điều quan trọng là bạn phải có khả năng đánh giá tốt về những cơ hội mà nghệ sĩ của bạn nên và không nên tham gia. Bạn phải luôn nhớ rằng một số cơ hội có thể gây tổn hại cho sự nghiệp hoặc danh tiếng của họ, trong khi những cơ hội khác có thể khiến danh tiếng của họ phát triển mạnh.
Không chạy theo điều nghệ sĩ muốn
* Anh đến với nghề quản lý nghệ sĩ nào đầu tiên?- Thủy Tiên là nghệ sĩ đầu tiên mời tôi làm quản lý khi tôi vừa tốt nghiệp cấp 3. Lúc đó, Tiên muốn làm album phong cách rock mạnh sở trường, nhưng tôi nhận ra nó chưa phù hợp với thị trường. Trong khi đó, Tiên có hit Giấc mơ tuyết trắng, nhưng ra đường chưa nhiều người biết đến.Tôi quyết định định hình lại hình ảnh theo concept mùa đông, và may mắn chỉ vài tháng sau, chúng tôi có hit Cô bé mùa đông. Khi bạn làm quản lý, bạn không chạy theo điều nghệ sĩ muốn, bạn chọn điều nghệ sĩ cần.* Nghệ sĩ cần tin tưởng quản lý đến mức nào?- Tin tuyệt đối. Ví dụ như với Bảo Anh, trước khi tập The Voice mùa đầu có Bảo Anh phát sóng, tôi đã chủ động bảo em ấy đưa tài khoản Facebook, để tôi xóa chục tấm ảnh cũ. Những bức ảnh vui chơi đời thường, nếu để sót lại sẽ có thể bị khai thác tiêu cực.Tôi không kiểm soát nghệ sĩ. Tôi kiểm soát những điều có thể làm tổn thương họ. Người quản lý cũng phải tin tưởng vào nghệ sĩ. Đó là một con đường hai chiều. Bạn cần tin tưởng rằng họ sẽ làm việc chăm chỉ và không bao giờ bỏ cuộc.* Người ta nói quản lý nghệ sĩ là để giữ giá trị, cũng như quy đổi những giá trị đó thành tiền cho nghệ sĩ, điều đó có đúng không?- Tôi thích khái niệm ngắn gọn về nghề này: người quản lý giúp các nghệ sĩ đạt được ước mơ của mình. Thương thảo là khả năng quan trọng trong mọi công việc, không riêng gì công việc quản lý.Tôi xin đính chính lại, dòng tiền không chỉ đổ về nghệ sĩ, mà cả phía quản lý. Nguyên tắc đầu tiên, đó là một công việc hợp tác sòng phẳng và dựa trên giá trị của nhau. Tôi có thể thương thảo mức giá của nghệ sĩ từ 500 triệu lên 1 tỉ đồng trong đàm phán cùng thương hiệu, thì tôi cũng sẽ nhận về lợi nhuận của mình.Khi mọi thứ không suôn sẻ, đó là lỗi của bạn; khi mọi thứ tốt đẹp, nghệ sĩ thường nhận được phần lớn công lao. Tuy nhiên, việc đưa một nghệ sĩ từ con số không đến thành ngôi sao là một trải nghiệm tuyệt vời.
1744680483404413.jpg

Theo Đỗ Quang Chí, khi làm quản lý, anh không chạy theo điều nghệ sĩ muốn mà chọn điều nghệ sĩ cầnẢNH: FBNV
* Nhưng nếu mối quan hệ hợp tác đó diễn ra suốt 17 năm, liệu nó có trở thành mối quan hệ khác hay không?- Tôi nghĩ điều quan trọng không nằm ở số năm, mà là cách cư xử với nhau - trước, trong và sau hợp tác. Là quản lý, bạn không thể để cảm xúc lấn át lý trí. Nhưng để gắn bó lâu, bạn phải có cảm xúc thật. Phải thực sự muốn nghệ sĩ của mình tốt lên, bạn mới có thể làm nghề này.* Nếu có một lời khuyên cần dành cho người quản lý nghệ sĩ, anh sẽ khuyên họ điều gì?- Quản lý và trợ lý là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Làm tốt phần việc của mình - đừng đánh đồng công việc điều phối sự nghiệp với việc sắp xếp lịch trình hay chạy sự kiện.Quản lý không phải người cầm ô đứng cạnh nghệ sĩ - mà là người dựng nền móng cho cả một sự nghiệp. Công việc của quản lý là làm điều đúng đắn cho nghệ sĩ, ngay cả khi họ chưa nhận ra điều đó. Tóm lại, làm đúng vai trò - giữ nguyên tắc - và rời đi một cách văn minh. Đó mới là giá trị thật của nghề này.Không ngờ là sau này, tình huống xử lý truyền thông khi chấm dứt hợp tác giữa tôi và Ngô Kiến Huy sau 17 năm cũng trở thành "case study" (kinh nghiệm) được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học. Tôi vừa nhận được lời mời chia sẻ với sinh viên chuyên ngành truyền thông - trong vai trò là chuyên gia khách mời. Thành thật mà nói, tôi vẫn hơi run. Vì một câu chuyện tưởng nên lặng lẽ khép lại, lại trở thành một bài học cho người làm nghề.* Khi nghệ sĩ gặp scandal, người quản lý thường sẽ chọn nói giảm nói tránh hay bao che cho nghệ sĩ?- Tôi nghĩ việc của người quản lý không phải là nói dối, mà là chọn cách đối diện với sự thật một cách có chiến lược. Có những scandal chỉ cần im lặng là đủ. Có những scandal cần một lời xin lỗi chân thành. Và cũng có những scandal, nếu không được xử lý đúng, sẽ trở thành vết thương kéo dài cả sự nghiệp.Tôi không nói giảm, cũng không bao che. Tôi lựa lời để không đổ thêm dầu vào lửa, nhưng cũng không để nghệ sĩ một mình gánh chịu tất cả. Việc đầu tiên khi nghệ sĩ gặp biến cố không phải là ra một thông cáo, mà là giữ cho họ không sụp đổ tinh thần. Một nghệ sĩ hoảng loạn sẽ đưa ra những phản ứng sai lầm. Quản lý phải là người đứng vững, giữ tỉnh táo và nói một điều duy nhất: "Cứ bình tĩnh, sẽ có giải pháp xử lý".* Cảm ơn anh vì đã dành thời gian chia sẻ!
 
Back
Bên trên