Dịch sách cổ: Tường trình một chuyến du hành đến xứ Nam Hà

hoanghoang12

Thành viên mới
Xin trân trọng giới thiệu đến các cụ bản dịch mới của em, cuốn Narrative of A Voyage to Cochinchina, 1778 của tác giả Charles Chapman, một công chức Anh tại Ấn Độ [thuộc Anh] khi ấy.
Mảng sách cổ khi có thời gian em vẫn dịch, phục vụ nhiều cụ đam-mê tìm hiểu, như em đã nói, em chỉ dịch những cuốn chưa có ai dịch.
Một cuốn sách ngắn, gần như một bản tường trình về công ty Đông Ấn Anh và chính quyền Anh ở Ấn Độ về triển vọng buôn bán với Đàng Trong, tình hình chính trị-xã hội Đàng Trong hay còn gọi là Nam Hà khi ấy.
Đen đủi cho phái đoàn Anh, họ đến đúng lúc nước ta đang nội chiến triền miên, sự khủng hoảng đến cao độ của các tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn, sự nổi dậy của Tây Sơn đứng đầu là Nguyễn Nhạc....
Điều thú vị là, tác giả đã gặp trực tiếp Nguyễn Ánh, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Phạm Ngô Cầu....dưới ngòi bút của ông, các nhân vật hiện lên khá nét, Nguyễn Nhạc rất đẹp, rồi vai trò Nguyễn Huệ khi đó khá nhạt bên cạnh anh mình.
-------------------------
Tác giả trình bày bằng một văn phong tiếng Anh cổ thế kỷ 16-18, nên khá khác so với tiếng Anh hiện đại, nên dù cố gắng, nhưng do trình-độ cực kỳ ngu dốt, hiểu biết nông cạn,năng lực kém cỏi, cũng xin gửi đến các cụ bản dịch này. Chắc-chắn bản dịch còn nhiều sai sót, xin được lượng thứ.
Cụ nào thích đọc sách giấy scan, em xin gửi link down.

1735121164334091.jpg


1735121164650812.jpg
 
LỜI NGƯỜI DỊCH

Cuối thế kỷ 18, các tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài và Nguyễn ở Đàng Trong lâm vào cuộc suy tàn toàn diện, đại diện cho tầng lớp đó chính là những: Trịnh Sâm-Nguyễn Phúc Khoát-Nguyễn Phúc Thuần.

Cuộc nổi dậy của phong trào Tây Sơn, đứng đầu là Nguyễn Nhạc nổ ra, đã khiến tình hình đất nước thêm rối ren, Tây Sơn đã đánh bật triều đình chúa Nguyễn, tàn quân Nguyễn tụ tập tại Gia Định-Đồng Nai, từ đây, Nguyễn Ánh sai người đi khắp nơi cầu viện. Trước đó, quân Trịnh vượt sông Gianh, tấn công và làm chủ Thuận Hóa, chiếm Kinh đô Phú Xuân. Nguyễn Nhạc tạm hòa với quân Trịnh và làm chủ vài tỉnh.

Tháng 2 năm 1778, có hai người Việt cập bến Calcutta [Bengal, Ấn Độ]. Họ là cựu thần của chúa Nguyễn, đi nhờ tàu buôn phương Tây từ Đà Nẵng chạy vào Gia Định, nhưng vì gặp gió mạnh nên tàu bị chệch khỏi lộ trình ấy và buộc phải đi thẳng sang Ấn. Nhận thấy tiềm năng thương mại từ việc này, chính quyền thuộc địa Anh tại Bengal cử Charles Chapman đưa 2 viên quan này về nước, đồng thời thăm dò tình hình Đàng Trong hoặc gọi là Nam Hà. Tàu của họ đến đảo Hòn Khoai, ghé Gia Định-Đồng Nai rồi đến Quy Nhơn tháng 7 năm ấy, nơi Chapman gặp gỡ với vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc.

Cuộc sống nhân dân vốn đã khốn khổ, nay còn khổ gấp bội, ta thấy những người dân Việt Nam bị Mã Lai bắt làm nô lệ, đến khi được giải thoát họ “ngập ngừng không muốn tự do”; Hội An vốn là thương cảng sầm uất bao nhiêu, nay quân Tây Sơn cho phá tan tành.

Quân Bắc Hà [quân Lê-Trịnh] đóng ở Huế cũng không tử tế gì, cũng tham lam, dốt nát, hiếu chiến và có thói “nói một đằng làm một nẻo”

Dưới ngòi bút của tác giả, các nhân vật lịch sử hiện ra rõ hơn, do ông có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với họ, những Nguyễn Nhạc “dung mạo rất đẹp” rồi Trương Văn Đa, thái thử Nguyễn Bảo, viên tướng Phạm Ngô Cầu của quân Trịnh “một ông già 60 tuổi khoan thai” rồi viên quan thái giám của Trịnh Sâm “con quái vật ghê tởm”

Phái đoàn thương mại Anh đến Đàng Trong đúng lúc tình hình rối ren, nên không thu hoạch được gì nhiều, thậm chí xung đột với quân Trịnh tại Huế và phải bỏ chạy. Tuy nhiên, những ghi chép của Charles Chapman, với những điều mắt thất tai nghe, rất đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm.
 
Tác gi

Charles Chapman, sinh tại Bathwick, Somerset ngày 23 tháng 11 năm 1752 — Mất ngày 19 tháng 3 năm 1809. Công chức [servant] Anh tại Ấn Độ.

Ông là con trai của Charles Chapman, một sĩ quan đã nghỉ hưu của quân đội Công ty Đông Ấn (E.I.C.). Được giáo dục tại Học viện Hoxton.
Sự nghiệp tại Ấn Độ:
Từ năm 1773: Thư ký của E.I.C. tại Bombay.
Năm 1775: Chuyển đến Calcutta. Gần gũi với Warren Hastings [toàn quyền Anh tại Ấn Độ]
Năm 1778-79: Phái đoàn ngoại giao đến Nam Hà
Năm 1781-83: Phái đoàn đến Nagpur (Berar).
Năm 1794-1801: Quản lý một khu vực sản xuất muối.
Sự nghiệp chính trị:
Năm 1802-05: Nghị sĩ Quốc hội đại diện cho Newton, Isle of Wight.
Đời tư: Nghiện cờ bạc và mất hầu hết tài sản kiếm được ở Ấn Độ. Kết hôn năm 1784 với Mary Williams, có con.
Quan tâm đến văn hóa Ấn Độ: Nghiên cứu với Pandit Mahesha.
Hoạt động xã hội: Thành viên sáng lập của Hội Á châu (Asiatic Society).
Các tác phẩm:
Narrative of a Voyage to Cochin China in 1778, by Charles Chapman, with a Plan of His Route by Lieutenant J.S. Ewart. Also, Captain Michael Symes’s Narrative of His Emabssy to Ava in 1795.
[Tường thuật về một chuyến đi đến Nam Hà năm 1778, với Bản đồ Hành trình của ông bởi Trung úy J.S. Ewart. Cũng có Tường thuật về Phái bộ của Thuyền trưởng Michael Symes đến Ava năm 1795.) Được xuất bản năm 2007 (từ các giấy tờ của Warren Hastings].
 
LỜI GIỚI THIỆU CỦA ÔNG WARREN HASTINGS-TOÀN QUYỀN ẤN ĐỘ

Vào năm 1777-1778, thuyền trưởng của con tàu Rumbold, vốn thực hiện một chuyến hải hành đến Nam Hà đã báo cáo tích cực về vùng đất này như một thị trường tiềm năng cho hàng hóa châu Âu. Ông đã mang theo hai vị quan người Đàng Trong có địa vị cao, những người bị ngăn cản không thể trở về quê hương do thời tiết khắc nghiệt, và họ đã được người Anh ở Calcutta đối đãi một cách trọng thị. Do đó, ngài Hastings, khi đó là Toàn quyền Ấn Độ, đã cử ông Chapman đến Nam Hà nhằm mở ra một mối quan hệ thương mại với đất nước này. Ông Chapman trở về Bengal vào năm 1779, sau khi thất bại trong mục tiêu của sứ mệnh và thực tế đã bị buộc phải rời khỏi đất nước, phải thoát ra ngoài với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông đã trình bày trước chính quyền Bengal một bản tường thuật chi tiết về các hoạt động của mình, kèm theo các ghi chép địa lý và lịch sử có giá trị.
Một bản tường thuật chi tiết về sứ mệnh của ông Chapman sẽ được tìm thấy trong các tài liệu sau đây. Biên bản sau đây của Toàn quyền Hastings giải thích lý do ông đề xuất sứ mệnh này:
"Một sự tình cờ đã đưa hai vị quan người Nam Hà đến vùng đất này, một người là thân thích gần gũi của vị Chúa [Nguyễn] đang trị vì [tức là Nguyễn Phúc Thuần], người còn lại là một quan chức cấp cao. Cả lòng nhân đạo lẫn chính sách ngoại giao đã thúc đẩy hội đồng dành cho họ mọi sự hỗ trợ cần thiết và đối đãi họ với sự tôn trọng nhằm để lại ấn tượng tốt đẹp về người dân mà họ đã gặp gỡ, đồng thời xoa dịu nỗi lo âu khi phải xa quê hương và gia đình. Mùa thích hợp để họ trở về quê nhà nay đã đến, và họ vô cùng nóng lòng muốn khởi hành. Vì vậy, tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng hội đồng sẽ đồng thuận với tôi về tính cấp thiết của việc cung cấp cho họ phương tiện trở về. Thật vậy, những quý ông trên con tàu đã đưa họ đến đây đã chuẩn bị một con tàu nhỏ và đề nghị đưa họ về nước. Đây là trách nhiệm của họ, và sẽ không cần làm gì thêm nếu họ không phải là những người có địa vị cao quý như vậy; nhưng tôi cho rằng cần phải dành sự quan tâm đặc biệt hơn cho thân thích của một vị chúa quan trọng như chúa Đàng Trong. Do đó, tôi đề xuất rằng con tàu Amazon Snow nên được chuẩn bị sẵn sàng để đón họ. Tôi có nhiều lý do để đưa ra đề xuất này — Thứ nhất, con tàu hiện đang không được sử dụng và có thể hoàn thành nhiệm vụ này trước tháng 12 — con tàu có thể đáp ứng nhu cầu của các vị quan — nó cũng có thể thực hiện một nhiệm vụ nhân đạo, đó là tìm kiếm một phần thủy thủ đoàn của tàu Earl of Temple, gồm 13 người mà tôi được biết vẫn đang bị mắc kẹt trên quần đảo Hoàng Sa [Paracel] đối diện với Nam Hà — con tàu cũng có thể thực hiện các cuộc khảo sát hoặc đảm nhiệm bất kỳ nhiệm vụ nào khác mà hội đồng cho là cần thiết. Quan chức người Pháp ở Chandernagore [một thị xã của quận Hugli thuộc bang Tây Bengal, Ấn Độ], nhận thức rõ tầm quan trọng của những người này, được cho là đã đề nghị cung cấp cho họ một con tàu để hồi hương..."
 
Những lý do nêu trên, mặc dù tôi cho là đã đủ, nhưng không phải là những động cơ duy nhất khiến tôi đề xuất việc cử tàuAmazon. Chủ sở hữu con tàu đã đưa các vị quan Đàng Trong tới đây đã thông báo với tôi rằng họ được biết, từ chính các vị quan này cũng như từ nhiều nguồn khác, rằng có thể thu được những lợi ích to lớn từ việc thiết lập quan hệ thương mại với Nam Hà. Mong muốn tận dụng cơ hội thuận lợi này để xây dựng mối quan hệ thương mại với quốc gia đó, họ đề xuất gửi một con tàu cùng với hàng hóa, và khẩn thiết yêu cầu cử một đại diện chính thức từ chính quyền này cùng với các vị quan, nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản của họ và tìm kiếm sự bảo trợ từ chính quyền Nam Hà đối với các hoạt động trong tương lai của họ.

Những lợi ích được mô tả bao gồm: mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng châu Âu như sắt, chì, đồng, dao kéo, đồ thủy tinh và vải dạ, cùng với nhiều sản phẩm thủ công từ Bengal, không chỉ tới người Đàng Trong mà đặc biệt là tới các thương thuyền Trung Hoa [junks]. Đồng thời, việc thiết lập quan hệ này cũng giúp thu về các mặt hàng quý giá như vàng, bạc, hạt tiêu, quế, nhục quế, ngà voi, trầm hương và nhiều loại hàng hóa giá trị khác, mang lại lợi ích to lớn cho vùng đất này. Trong tương lai, những lợi ích này cũng có thể hỗ trợ đáng kể cho việc đầu tư hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu.
 
Back
Bên trên