Dịch sách Lịch sử: Kể chuyện Nguyễn Ánh-Tây Sơncủa giáo sĩ de La Bissachère.

khuonglieu

Thành viên mới
Thớt nhà Tây Sơn của em đã dài, biên thêm sợ loãng, hơn nữa đây là nội dung một cuốn sách dịch, nên có lẽ em trung-thành với nguyên tác là lập một thớt riêng.
Cuốn này em dịch đã rất lâu, từ 2015, đúng vào dịp mở thớt, đến nay đã tròn 10 năm, qua mấy lần chỉnh sửa bổ sung, có lúc cũng quên mất, nay quyết định post hầu các cụ yêu Lịch sử.
Cuốn này thực ra là rất khó dịch, vì nội dung rắc rối, phải gọi đúng là rối rắm, khi mà cùng một nội dung, người biên tập là nhà sử học Pháp Charles Maybon lại lồng ghép 4. 5 tác giả cùng lúc để bổ sung cho văn bản chính, các văn bản lại được kỳ công đánh số; ví dụ [18/22] nghĩa là số văn bản gốc còn lưu và số văn bản tham chiếu của tác giả cùng thời; [15] là số trang văn bản gốc lưu trữ tại thư viện Hội thừa sai Paris, hoặc kho lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp; các chú thích (a) (b) làm rõ nghĩa, rồi chú thích của C.Maybon...tất cả đòi hỏi quá trình biên dịch rất mất thời gian, và em quyết định giữ nguyên tác.
Nguyên tên sách là: LA RELATION SUR LE TONKIN ET LA COCHINCHINE, tuy nhiên, căn cứ vào nội dung chính, em đặt tên sách là: Kể chuyện Nguyễn Ánh-Tây Sơn [1790-1806] cho hợp với ý chính hơn.
Thông tin trong sách, như em đã trình bầy, chỉ là tham khảo, để nhìn nhận Lịch sử giai đoạn phức tạp nầy ở một lăng kính, một góc nhìn khác, đúng sai các cụ tự có quan điểm và đúc rút vậy.
Cuối cùng, do trình độ tiếng Pháp cực kỳ dốt nát, kiến thức vô cùng nông cạn, văn phong quê mùa, đâu dám khoe khoang, mong các cụ lượng thứ và góp ý.
Sau khi thớt post xong, cụ nào có nhã ý xin sách giấy, em sẽ tặng bản scan.
 
Trang bìa sách:
1741055406414814.jpg
 
Cụ làm google doc đi ạ, cập nhật vào đó sau cho bà con xin link. Theo dõi liên tục được, em cảm ơn trước ạ
 
LỜI NGƯỜI DỊCH

Cuốn sách “LA RELATION SUR LE TONKIN ET LA COCHINCHINE” của giáo sĩ Pháp de La Bissachère khá nổi tiếng ở Việt Nam, vì, người ta mỗi khi mô tả cuộc hành hình của Nguyễn Ánh với những thành viên, tướng lĩnh nhà Tây Sơn, là thường trích dẫn đoạn mô tả rất nổi tiếng trong cuốn sách này. Tuy nhiên, để dịch hoàn chỉnh và trọn vẹn, thì không có ai thực hiện.

Cuốn sách cũng là đề tài cho những bài viết “khảo cứu” đầy hằn học của những người cuồng Nguyễn Ánh nói riêng và nhà Nguyễn nói chung, như Thụy Khuê [BTV Văn học đài RFI, Pháp] trong loạt bài “Khảosát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long” đã bôi bác tác giả là “Ký sự Bissachère, thuỷ tổ sự bóp méo lịch sử” hay Nguyễn Vinh Trang trong loạt bài “Jean-Marie Dayot qua những bài viết”rồi một số tác giả khác, có khá nhiều bài viết biện minh, tẩy trắng cho Nguyễn Ánh. Dưới ngòi bút của họ, Nguyễn Ánh hiện ra như một vĩ nhân, một viên tướng bách chiến bách thắng, một ông hoàng kiệt xuất, một nhân tài lịch sử đã bôn ba khắp nơi và tự mình dựng lên một triều đại vĩ đại. Còn nhà Tây Sơn, trong mắt họ là đám lục lâm thảo khấu, cướp của giết người và hiện nguyên hình là một triều đình ăn cướp.

Để tâng bốc Nguyễn Ánh, họ dìm những người đi giúp Ánh xuống bùn đen, đặc biệt là các sĩ quan Pháp đến giúp Nguyễn Ánh, dưới mắt họ đây là đám người lang thang vô công rồi nghề, các quân nhân hết đát, các sĩ quan dốt nát, nghiện rượu, cờ bạc, trộm cắp …và Ánh có thể đuổi đi bất cứ khi nào muốn, có nghĩa là, đám sĩ quan Tây này gần như nô lệ cho Ánh. Còn vai trò của giám mục Bá Đa Lộc thì thảm hơn, ông ta gần như cái bóng mờ nhạt bên cạnh mặt trời chói sáng là Ánh.

Tuy nhiên, Lịch sử, đôi khi cần nhìn ở nhiều lăng kính khác nhau, việc đúng-sai, tốt-xấu lại còn phụ thuộc vào cảm xúc cá nhân. Có một điều, để đo việc đức hạnh, tài cai trị của một bậc Quân vương, người ta có 2 cách, đó là nhìn vào những việc họ làm cho đất nước và đánh giá của người dân về cuộc cai trị, qua cuốn sách này, ta thấy tài “trị nước” của Nguyễn Ánh và quan lại nhà Nguyễn còn tệ hơn Tây Sơn nhiều lần, đặc biệt đối với nhân dân miền Bắc Hà, đến mức họ “ngày đêm nguyền rủa” rồi thuế má nặng nề, cuộc sống ngày một tồi tệ, đã khiến cho người dân Bắc Hà vỡ mộng nhưng bất lực.

Tác giả, là giáo sĩ de La Bissachère, người đã có 16 năm sống ở Tây Đàng Ngoài [khu vực Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay], ông đến nước ta năm 1790 dưới thời Tây Sơn và vua Quang Trung còn sống, rời đi năm 1806, khi Nguyễn Ánh xưng đế và đặt niên hiệu Gia Long, có lẽ cũng sống đủ lâu để chứng kiến thời cuộc, cuộc nội chiến đau thương giữa Tây Sơn-Nguyễn Ánh, qua những bức thư và tài liệu còn lại, tác giả Charles Maybon [một nhà nghiên cứu Pháp rất nổi tiếng] đã tuyển chọn, phân loại và hiệu đính nhiều tài liệu của de La Bissachère cùng với những nhà truyền giáo, các tác giả khác, thậm chí, có người còn lấy tài liệu của de La Bissachère để xào xáo, viết thành sách với nhiều nội dung sai lạc [xem phần giới thiệu trong sách].

Phần nói về những người Âu bên cạnh giúp sức cho Nguyễn Ánh tương đối ít so với toàn bộ cuốn sách, thực tế, tác giả dành khá nhiều trang để nói về cuộc sống của người dân Bắc Hà thời Tây Sơn [tác giả đến Bắc Hà năm 1790], trong đó có những mô tả khá thú vị về những lễ hội, những điều kỳ lạ của thuật “phù thủ”, phong tục thờ những vị thần, thậm chí là thờ một “ cô đào” [trong nguyên văn tiếng Việt là “Con leo Hanh” ả đào, hoặc gái mại dâm], rồi về tệ nạn hối lộ mà ông để nguyên văn trong tiếng Việt “kim ngan pha le luat” [kim ngân phá lệ luật]; ông cũng so sánh cuộc sống và xã hội miền Bắc thời Tây Sơn và thời Nguyễn sơ, cho ta thấy triều đình mới bóc lột, tàn tệ và nhũng nhiễu dân chúng gấp trăm lần triều đại cũ.

Tác giả cũng không dấu giếm sự khâm phục với nữ tướng Bùi Thị Xuân, mà trong nguyên tác ông viết là Thien-pho [Thiếu phó; chức của chồng bà, Thiếu phó Trần Quang Diệu]; sự anh dũng, tài năng của bà và chồng cũng không cứu được một vương triều đã đến hồi cáo chung, thậm chí khi sa cơ, Nguyễn Ánh cũng không dám đối đầu trực tiếp với vợ chồng bà mà dùng mưu cho quân đóng giả người dân dâng lương thực để bắt….

Tất nhiên, dưới con mắt của một người châu Âu, một nhà truyền giáo, mọi thông tin trong sách cũng chỉ dừng ở mức tham khảo, ta cũng không nên kết luận đúng-sai, hay lấy đây là sử liệu, đơn giản hơn, hãy để quan sát Lịch sử theo một góc khác, bởi vì những lời kể này cũng không hẳn đã đầy đủ dữ kiện để chứng minh tính chân thực hoàn toàn.

Sách được C. Maybon viết ở dạng so sánh-đối chiếu, kèm tư liệu, nên rất khó dịch và dễ dàng đọc hiểu, đúng ra là rối rắm, nhưng người dịch vẫn tuân thủ theo nguyên tác, có chú thích thêm những chỗ chưa rõ ràng.

Cuối cùng, do trình độ có hạn, bản dịch không tránh khỏi những sai sót, mong người đọc lượng thứ và góp ý.
 
Back
Bên trên