Tiết lộ về kiệt tác phim Việt được thực hiện với kinh phí chưa tới 300.000 đồng

vuasonlam

Thành viên mới
46 năm sau ngày công chiếu, 'Cánh đồng hoang' - bộ phim điện ảnh kinh điển của Việt Nam vẫn khiến người ta xúc động không chỉ vì câu chuyện bi tráng giữa thời chiến, mà còn bởi một chi tiết ít ai biết: bộ phim được thực hiện với kinh phí chỉ vỏn vẹn chưa tới 300.000 đồng.

Cánh đồng hoang là tác phẩm tiêu biểu của cố đạo diễn - NSND Nguyễn Hồng Sến, dựa trên kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và phần nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phim từng đoạt Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1980 và Huy chương vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1981 - dấu ấn hiếm có của điện ảnh Việt thời đó trên trường quốc tế.
1744093208816687.jpg

Cảnh ám ảnh nhất trong phim Cánh đồng hoangẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Bộ phim điện ảnh với kinh phí khiêm tốn đến khó tin

Nhưng điều khiến giới làm nghề và công chúng ngày nay càng thêm khâm phục chính là hậu trường vô cùng gian khó. Trong chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt vừa phát sóng trên VTV3, những nhân vật từng trực tiếp góp mặt trong đoàn làm phim lần đầu tiết lộ: kinh phí để thực hiện Cánh đồng hoang chỉ khoảng 300.000 đồng, một con số khiêm tốn đến khó tin.

Thời ấy không có trường quay, không thuê được thiết bị đắt tiền, không thù lao cao ngất cho diễn viên. Vậy nhưng từ chính sự hạn chế đó, một tinh thần làm phim rực cháy đã trỗi dậy: tiết kiệm tối đa, sáng tạo tối đa và cống hiến toàn tâm toàn ý.

Phim lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi - nơi ba nhân vật chính Ba Đô, Sáu Xoa và đứa con nhỏ sống giữa rừng tràm, đầm lầy, sông nước, chịu sự rình rập của bom đạn Mỹ. Toàn bộ bối cảnh được tận dụng từ thiên nhiên: rừng tràm thật, sông nước thật, chòi canh thật. Các đạo cụ đều do người dân địa phương hỗ trợ, từ chiếc xuồng nhỏ đến từng nắm cơm, manh áo…

"Chúng tôi ở cùng nhau 3 tháng trời giữa mùa nước nổi, mưa thì trú, tạnh là quay. Không có khách sạn, không có đoàn xe hậu cần. Đoàn phim ngủ trong căn nhà hoang, trải bạt nằm tạm, ăn cơm độn và cá khô do các chị cấp dưỡng nấu. Nhưng ai cũng vui, ai cũng say nghề", ông Dương Minh Hoàng - phó chủ nhiệm đoàn phim kể lại.

Kinh phí ít ỏi không làm đạo diễn Nguyễn Hồng Sến nản chí. Trái lại, ông tận dụng tối đa mọi nguồn lực sẵn có để làm nên một tác phẩm mang đậm bản sắc Việt, thấm đẫm không khí thiên nhiên, đời sống của người dân miền Tây trong chiến tranh.
1744093209104343.jpg

Diễn viên chính Thúy An trong Cánh đồng hoang ở cảnh cuối phimẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Một trong những phân cảnh ám ảnh nhất của Cánh đồng hoang chính là chi tiết vợ chồng Ba Đô cho con vào túi nilon, thả xuống nước để tránh bom. Đó không chỉ là đỉnh cao của cảm xúc nghệ thuật, mà còn là một bài toán kỹ thuật cực kỳ khó trong điều kiện lúc bấy giờ.

NSƯT Bằng Phong - phó quay phim - chia sẻ: "Chúng tôi tập dượt trên bờ rất nhiều lần. Khi xuống nước quay thật thì phải chính xác từng ly, vì chỉ có thể quay đúng một lần duy nhất. Đứa bé trong cảnh quay là cháu ruột của đạo diễn Hồng Sến, mới vài tháng tuổi, không thể ngâm nước lâu. Không có cơ hội để sai".

Và một cảnh quay duy nhất, một cú máy duy nhất nhưng lại trở thành khoảnh khắc điện ảnh sống mãi. Chính những điều kiện ngặt nghèo đó đã buộc đoàn phim phải đạt đến độ chính xác và sáng tạo gần như tuyệt đối.

Có thể thấy phim Cánh đồng hoang thành công vì sự chân thực và tình yêu mãnh liệt với Tổ quốc. Đạo diễn Nguyễn Hồng Sến từng nói: "Chúng tôi làm phim không chỉ để kể chuyện, mà để giữ lấy ký ức của dân tộc, để nói với thế giới rằng người Việt Nam sống như thế, chiến đấu như thế".

Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh Sáu Xoa - người vợ mất chồng, một mình cầm súng tiếp tục chiến đấu. Cảnh quay ấy trở thành biểu tượng của sức mạnh người phụ nữ Việt Nam, và rộng hơn là ý chí không khuất phục của dân tộc trong khói lửa chiến tranh.

46 năm sau, mỗi lần được chiếu lại, Cánh đồng hoang vẫn khiến khán giả lặng người. Không chỉ vì câu chuyện cảm động, mà vì tinh thần nghệ thuật chân thực không thể bị thay thế. Những gương mặt như NSND Lâm Tới, Thúy An… không cần hóa trang lộng lẫy, không cần thoại triết lý, vẫn chạm đến trái tim hàng triệu người.

Với kinh phí chưa đến 300.000 đồng, đoàn phim Cánh đồng hoang đã để lại cho nền điện ảnh một kiệt tác. Trong sự nghèo khó của vật chất, đã bừng lên sự giàu có của tâm hồn, của tài năng và tinh thần dân tộc.
 
Back
Bên trên